So sánh cả xã hội là điều phức tạp. Dưới đây là một số dữ liệu để chứng minh những gì cựu thủ tướng Úc Paul Keating nói: “Xã hội Úc tốt hơn Mỹ”.
Chỉ số phát triển con người
Đầu tiên là bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển con người” (Liên Hiệp Quốc đưa ra mỗi năm). Bảng này xếp hạng các quốc gia theo 3 yếu tố cơ bản quyết định chất lượng cuộc sống: y tế, trình độ giáo dục và thu nhập. Úc tốt hơn Mỹ, đứng thứ hai thế giới trong bảng báo cáo mới nhất, chỉ sau Na Uy. Nếu tiêu chí thời tiết ôn hòa được đưa vào đánh giá thì Úc sẽ đứng đầu. Mỹ chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng này.
Thống kê y tế
Lý do nữa giúp Úc xếp hạng trên Mỹ là thống kê y tế. Tuổi thọ của người dân Úc đạt 82,8 trong năm 2015, đứng thứ 4 thế giới theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong bảng xếp hạng này, Mỹ đứng thứ 31, với tuổi thọ trung bình là 79,3 (Chile, Costa Rica và Hy Lạp còn cao hơn Mỹ). Tuổi thọ trung bình của Úc cao hơn Mỹ tới 3 tuổi. Đặc biệt, đàn ông Úc có tuổi thọ trung bình khá cao, đạt 80,9, chỉ kém chút 2 quốc gia hàng đầu (Thụy Sĩ là 81,3 và Iceland là 81,2).
Ngoài ra, năm 2016, Úc lọt top 10 quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới trong bảng xếp hạng “Mục tiêu phát triển bền vững”. Bảng xếp hạng này đánh giá toàn diện về gánh nặng bệnh tật và mức sống. Nghiên cứu của The Lancet đã đánh giá 188 quốc gia theo 33 chỉ số sức khỏe liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Úc đứng thứ 10 còn Mỹ đứng thứ 28 trong bảng xếp hạng.
Một báo cáo khác của Bloomberg đã đánh giá về hiệu quả của 55 hệ thống chăm sóc y tế quốc gia vào năm 2014. Theo đó, Úc xếp thứ 10 với 40 bệnh viện tốt hơn so với Mỹ (vị trí thứ 50). Úc dành tỷ lệ GDP để chăm sóc sức khỏe nhỏ hơn so với Mỹ nhưng họ lại thu được kết quả tốt hơn.
Sự công bằng
Ông Keating đã chỉ ra lý do chính khiến tính ưu việt của xã hội Úc vượt trội so với Mỹ là sự công bằng. Một chỉ số có tên Hệ số Gini có thể làm rõ một quốc gia có xã hội công bằng như thế nào. Nó tóm tắt sự phân bố tổng thu nhập của một nước chỉ trong một số từ 0-1. Nếu là số 0 nghĩa là mọi người đều có cùng thu nhập, càng tiến gần đến số 1, nghĩa là quốc gia đó có rất ít cá nhân nắm giữ khối tài sản lớn trong xã hội.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế báo cáo, Mỹ có hệ số Gini là hơn 0,4 trong khi Úc là 0,34. Điều đó có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ lớn hơn Úc đáng kể.Một chỉ số khác về sự công bằng là phần thu nhập dồn vào 1% người giàu nhất. Nhà kinh tế học người Pháp, Thomas Piketty, cho rằng trong phần lớn thế kỷ qua, 1% người giàu nhất của Úc đã nhận được phần thu nhập nhỏ hơn so với các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (10% so với 18%). Khoảng cách này đã được mở rộng từ những năm 1980.